Monday 16 August 2010

Lâm Uyển Nhi

Lâm Uyển Nhi , một học viên (từng là gái mại dâm, nghiện ma túy và nhiễm HIV) trong Trung tâm Giáo dục lao động số 2, (Sở LĐ-TB-XH Hà Nội). Từ hôm nay, chúng tôi khởi đăng loạt bài về cuộc đời Lâm Uyển Nhi với thông điệp mà cô muốn gửi tới các bạn trẻ: Ma túy không trừ một ai, hãy tránh xa nó!


Kỳ 1: Cô bé lọ lem đăng quang cuộc thi người đẹp

Khi chúng tôi hỏi Nhi, có bao giờ cô nghĩ về những sai lầm của cuộc đời mình không, chẳng ngần ngại, cô nói: "Đó chính là khát vọng làm giàu bằng mọi giá. Em đã từng khổ cực, và cũng đã từng sung sướng quá nhanh. Điều đó làm cho em không giữ được mình khi bất ngờ gặp khó khăn và trượt sâu vào sai lầm". Ngay sau khi trở thành hoa khôi cuộc thi Người đẹp các thành phố biển năm 1989, Lâm Uyển Nhi đã bỏ học để vào lập nghiệp ở TP.HCM, cuộc đời sang trang, nhưng đó chỉ là khởi đầu cho một quãng đời tăm tối...

Lâm Uyển Nhi sinh năm 1975 tại Nha Trang, là con của một sĩ quan không quân chế độ cũ (đã ra nước ngoài). Thấp bé, nhẹ cân nhưng Nhi thích mặc đồ con trai và nổi tiếng ngỗ ngược, tới mức nhiều lần bị mẹ đánh nhừ đòn nhưng cô bé vẫn chứng nào tật nấy.

Nhà nghèo, chỉ có một túp lều không tường rào với vài phên lá dừa che mưa nắng. Trời mưa, lấy thau hứng nước, trời nắng, trong nhà cũng chang chang. Trong cuộc sống khó khăn ấy, cô bé Lâm Uyển Nhi bừng lên khát vọng làm giàu. Và có lần, Nhi tuyên bố: "Lớn lên dù có phải đi làm đĩ mà xây cho má được một ngôi nhà tử tế con cũng làm!". Câu nói của cô bé 13 tuổi khiến cả nhà tím ruột bầm gan, Nhi ăn một trận đòn thừa sống thiếu chết.

Năm sau, Nhi 14 tuổi, học lớp 9 nhưng đã lớn phổng lên như thiếu nữ. Ra chơi với cậu ở sân banh nỉ Pasteur, mọi người ồ lên, con nhỏ đẹp như hoa hậu. Như chợt nhớ ra, một người thông báo Nha Trang sắp có cuộc thi người đẹp. Lời ra tiếng vào, và Nhi quyết định dự thi vì "em nghĩ rằng nếu đi thi, được giải, sẽ có rất nhiều tiền!". Khai tăng hai tuổi, rồi đi kiếm đồ lên sân khấu. Thấy một bức ảnh có cô người mẫu ngoại quốc mặc đồ tắm màu trắng, Nhi tới chợ Đầm, mua mảnh vải thun trắng rồi lén mang về đưa cho chị Loan thợ may hàng xóm cắt cho bộ đồ tắm hai mảnh nhái theo bộ đồ trong ảnh.


Khá bất ngờ, Lâm Uyển Nhi có một chút quan hệ với Phạm Chí Tin, biệt danh "Tin Pales", một nhân vật "nổi tiếng" ở Nha Trang mà Báo Thanh Niên từng đề cập cách đây hơn 10 năm. Người này nhận Nhi làm con nuôi, chu cấp từ áo dài đi thi đến việc tổ chức cho Nhi tập luyện để lên sân khấu. Cuộc thi đã diễn ra gần 20 năm, nhưng Lâm Uyển Nhi vẫn nhớ y nguyên: chiều cao 161,3 cm, nặng 47 kg, số đo các vòng 90-60-89, tóc thì dài gần đến gót chân.

"Vượt qua vòng ngoài với 41 thí sinh, em vào đến vòng 1/8. Lúc được giải áo tắm, em nghĩ thế đã là mỹ mãn lắm rồi. Cuối cùng, khi mọi người đã nhận giải nhì, ba hết, em còn không tin mình đoạt tới giải cao nhất. Sau này em biết mình được giải một phần là nhờ những tác động hậu trường. Nhưng người đó là ai thì em cũng không biết nữa !".

Khi chúng tôi hỏi, ai là người yêu đầu tiên trong đời của Nhi, cô trả lời: "Đó là chồng em, người em yêu đầu tiên, duy nhất và cũng là người cuối cùng. Anh ấy người Pháp, tên là Patrick, sinh năm 1951, cao 1,82m, nặng 72 kg, đẹp trai lắm. Trong một buổi đi diễn thời trang từ thiện năm 1992 trong khách sạn New World. Anh ấy nhìn thấy em, mang lên tặng một bó hoa kẹp 500 USD rồi sau đó mời em đi Đà Lạt làm từ thiện. Riết rồi thân nhau, bảy tháng sau, chúng em cưới nhau".

"Đó là một người giàu có và yêu em kinh khủng". Nhi kể với một nụ cười vừa tự hào vừa cay đắng. Cưới xong, Patrick cho vợ thôi làm việc người mẫu chụp ảnh mà Lâm Uyển Nhi đang ký hợp đồng với một công ty của Italy (với mức lương 1.500 USD/tháng) sau khi đăng quang và vào TP.HCM. Thanh lý hợp đồng cũ cũng hết gần 200 triệu đồng. Patrick mang từ Pháp sang cả xe thể thao hai cửa, Nhi thích chiếc Jeep lùn, chồng cô móc túi đưa cho cô 17 triệu đồng mua một chiếc, độ vào hết bốn chục. Nhi đi riêng chiếc xe ấy khắp Sài Gòn, Vũng Tàu, xuống cả miền Tây.

Lâm Uyển Nhi cùng con trai trong sân Trung tâm Giáo dục lao động số 2.

"Chồng em có nhiều cuộc gặp bất thường, nhiều cú điện thoại lạ, em không kiểm soát được. Nói là buôn đồ cổ nhưng Patrick hình như còn nhiều cách làm ăn khác, thậm chí liên quan đến những thế lực đen ở nước ngoài. Đi du lịch, ảnh mang theo những cái kẹp, cái máy bắt sâu bọ rất xinh. Có hôm bắt được con bướm to lắm ở trên Dục Mỹ, em nghịch chơi, anh ấy hét lên, nói rằng nó giá trị hơn cả em nữa!".

"Chuyện ghen tuông của chồng em vui lắm. Không chỉ là chồng, hắn cứ như là cha, là anh mình! Em sống trong nhà mà như bị tù giam lỏng. Không cho em học cả tiếng Anh, tiếng Pháp, sợ em giao du với nhiều người. Patrick chiều em, mua cho đủ thứ. Áo đầm của em cái nào cũng dài quét đất, hở nguyên cái lưng, giá cả nghìn đô la, đôi giày cũng tám trăm đô, đồ lót thì hai ba trăm một món.

Sợi dây chuyền cả trăm triệu, còn cái đồng hồ Thuỵ Sĩ em làm rớt, bị xước, Patrick mang luôn sang Thuỵ Sĩ để sửa. Nhưng mỗi lần đi xa thì Patrick lại cho tất cả vào hòm khóa lại. Hắn nói rằng không chịu được cảm giác thấy em đẹp trước mặt người khác. Rồi thuê người theo dõi em, điện thoại của em luôn bị ghi âm. Có khi em chịu không nổi, về Nha Trang. Cái thẹo trên mắt em đây này, một lần cãi nhau, hắn đập đầu vào mặt em, tóe cả máu. Rồi lại vội vàng đưa em vào bệnh viện và ngồi bên giường em, khóc xin lỗi cả một buổi chiều".

"Năm 1999, Patrick đánh nhau với một Việt kiều Mỹ ở Nha Trang vì anh này trêu em. Năm 2000, đến một sàn nhảy ở Hàng Cót, Hà Nội, em ra nhảy chơi xong, có người ra chòng ghẹo, em không bắt chuyện. Sau đó, thấy chồng em ôm em, người này đến trước mặt bảo, mày thích Tây vì nó nhiều tiền phải không, mày muốn bao nhiêu, tao trả bấy nhiêu. Họ không ngờ chồng em rành tiếng Việt. Anh ấy đánh luôn, em cũng nhảy vào uýnh tơi bời. Cảnh sát đến, bắt chúng em ra phường hôm sau mới thả".

Chúng tôi hơi ngạc nhiên khi nghe Nhi nói về tình cảm nồng nàn của mình với người chồng ngoại quốc, song lại ít nhắc đến cậu con lai có tên là Lâm Kỳ Vĩ - Patrick Thovani. Trước chuyến du lịch miền Bắc định mệnh đã đưa người mẫu Lâm Uyển Nhi từ "lầu son gác tía" đến những địa ngục của ma túy và góc tối vỉa hè, vợ chồng Nhi đã gửi con cho bà ngoại ở Nha Trang nhưng bây giờ, cô cũng không biết cậu bé ấy ra sao...

Ăn không ngồi rồi mãi cũng chán, năm 1994 Lâm Uyển Nhi đi Singapore học nhảy với ý định khi về sẽ mở câu lạc bộ dạy khiêu vũ và thể dục thẩm mỹ. Kim - ông chủ vũ trường nơi Nhi học là người tinh mắt, thấy cô gái Việt Nam xinh đẹp, lập tức đề nghị Uyển Nhi ký hợp đồng làm việc. Nhi từ chối, nhưng người đàn ông gốc Hoa này không dễ dàng bỏ qua ý định. Biết Lâm Uyển Nhi hay hút thuốc, Kim chuyển đến một thứ thuốc lá thơm đặc biệt. Và người đẹp họ Lâm vẫn bình thản bật quẹt gas châm thuốc hút mỗi ngày tới vũ trường. Hết khóa học, Uyển Nhi trở về TP.HCM và ngay lập tức vã mồ hôi, ngáp ngắn ngáp dài khi bước xuống sân bay. Đi test, Lâm Uyển Nhi biết mình đã nghiện heroin, nhưng với sự hỗ trợ của chồng, Nhi cai được tại nhà.


Bất hạnh ập đến với Lâm Uyển Nhi vào năm 2001: Patrick bị cảnh sát Pháp bắt và lĩnh án 18 năm tù giam vì tội buôn đồ cổ trái phép khi hai vợ chồng đang ở Hà Nội chuẩn bị về Pháp định cư. Cú sốc đưa Nhi trở lại với nàng tiên nâu. Tiền bạc, đồ trang sức trong người lần lượt “đội nón” ra đi để đổi lấy heroin. Hít, phê, rồi lăn ra ngủ. Ngủ dậy, lại chơi tiếp. Có khi gục đầu vào tàn thuốc khiến tóc, lông mày cháy khét lẹt. Có những khi 3 - 4 ngày không nhìn thấy mặt trời, chẳng biết ngày hay đêm!

Lâm Uyển Nhi trong hồ sơ của Công an Hà Nội - (ảnh: L.Q.P)

Số tiền đem theo rồi cũng hết. Đói thuốc, trong túi chỉ còn 70 ngàn đồng, Lâm Uyển Nhi bắt xe ôm tới chợ ma túy Thanh Nhàn - bấy giờ còn hoạt động tấp nập. Đưa 50 ngàn đồng, nhận được 1 tép thuốc tí xíu. Ít thế, hít làm sao phê? Bỗng thấy 2 cô gái đang chích ngay bên một góc tường. Lượng thuốc trong ống tiêm không nhiều nhưng Nhi thấy họ thật đã đời. Nhi quyết định chuyển qua chích thử. Mua cái xi - lanh, hòa nước cất, người đẹp xắn tay áo tự đâm mũi kim vào tay phải. Máu trào ra, cả cánh tay sưng vù mà chẳng thấy phê. Lại vạch tay áo, tiêm vào bên trái. Lại đau nhức, sưng vù mà người vẫn bị vật! Quay lại Thanh Nhàn, nghe Nhi kể chuyện, đám dân nghiện phá lên cười và hướng dẫn người đẹp cách chọc kim vào tĩnh mạch!

Chích vào tĩnh mạch không khó, nhưng làm thế nào để có tiền mua thuốc thì cô chịu. Nhìn Lâm Uyển Nhi vật vã vì đói thuốc, đám bạn nghiện thở dài, chỉ đi làm thì mới có tiền thôi. "Làm gì?". "Làm gái!".

Thời "hoàng kim", bà Patrick hay lui tới các vũ trường, bar rượu và mỗi lần đến đó, cô từng gặp những cô gái ăn mặc hở hang, sẵn sàng "bay đêm" với khách làng chơi. Vì thế, Lâm Uyển Nhi cũng chọn Queen Bee, New, Appolonic... làm nơi "khởi nghiệp". Lạ nước lạ cái, chưa có "mối", cô phải ăn chia theo tỷ lệ 7/3 với má mì. Dần dà, Nhi cũng có khách quen nên quyết định "ra riêng". Hễ con dế đổ chuông, những anh T. giám đốc, anh K. buôn bán đồ gỗ gọi... là người đẹp lại kêu taxi, để sáng mai trở về với một vài trăm USD đã nằm sẵn trong bóp.


Nhưng ma túy cũng chính là kẻ thù của "nghề nghiệp", nhan sắc của cô chẳng mấy lúc đã tàn phai do ma túy. Các cuộc "bay đêm" ít dần. Dân chơi vũ trường chê cô gầy, trông... như con nghiện! Đói thuốc, Nhi phải tự "hạ cấp" bằng việc ra đứng đường "bắt" khách, giá "đi" khách rớt thảm hại, chỉ còn 1 - 2 trăm ngàn đồng. Nhưng đứng đường bán hoa cũng đâu có dễ ! Bọn bảo kê chia nhau khoanh vùng chiếm hết những điểm đứng "ngon" nhất nên thời gian đầu, nhiều lần Uyển Nhi hoặc là phải chịu đòn, hoặc bị xua đi chỗ khác. Đói thuốc buộc cô phải kiếm tiền bằng mọi giá, kể cả việc "lấn sân" của các "đồng nghiệp", bất chấp sự đe dọa, dằn mặt của đám mặt rô dắt gái.

Có "đất", lấy đêm làm ngày, Uyển Nhi cố gắng "canh tác" và số tiền kiếm được lại ném vào quán bar, thuốc phiện. Nhi kể nỗi khiếp sợ nhất của Nhi là bị khách hàng tổ chức "bắt cóc", ép đi tập thể cả 5 - 7 gã đàn ông sặc mùi bia rượu. Rồi người đẹp nhiễm HIV. Lâm Uyển Nhi biết được tin kinh hoàng ấy khi cô bị đưa vào Trung tâm giáo dục lao động số 2 lần thứ nhất. Được phân vào tổ "hoa hậu", Nhi bàng hoàng cả người... Nhưng rồi khi trở ra, không nghề nghiệp, không chốn nương thân, Lâm Uyển Nhi lại sa chân vào cõi đứng đường.

Trong giờ đi lấy cơm - (ảnh: L.Q.P)

"Một lần em đang đón khách ở cạnh khách sạn Hilton thì có một chiếc ô tô màu đen biển xanh lượn qua lượn lại mấy lần. Một ông oai vệ như giám đốc ngó ra gọi em đi. Em ra giá 5 trăm ngàn, ông ấy đồng ý với điều kiện không dùng OK. Em bảo, tôi si-đa, ông không sợ à? Ông ta nói không, trông cô khỏe mạnh thế, si-đa sao được. Nói mãi, không nghe, em thây kệ".

"Một lần khác, đang đi trên đường Lý Thường Kiệt với một người bạn, có một cậu bé đi xe FX đuổi theo làm quen. Cậu ta thích em, cứ đòi đi với em. Em nói em si-đa, cậu ta cũng không tin. Cậu ta năm ấy mới 20, kém em đến 5 tuổi, đang đi học, nhưng nhà rất giàu, lần nào cũng cho em nhiều tiền, và cũng như ông già kia, chẳng dùng phương tiện bảo vệ gì cả!". Lâm Uyển Nhi nói rằng, khi đi khách, cô luôn yêu cầu đối tác mang bao cao su. Nhưng chỉ có khoảng 50% khách làng chơi hưởng ứng, số còn lại thì không vì muốn có được cảm giác thật. Nhi cũng tỏ vẻ ái ngại khi kể về những khách hàng là dân lao động ngoại tỉnh: "Họ xa gia đình nên có nhu cầu sinh lý. Vì không có tiền nên thường đi theo nhóm 3 - 5 người. Thường thì, trong người chúng em lúc nào cũng có 2 - 3 chiếc bao cao su nhưng trong trường hợp này thì không đủ. Ngồi kể chuyện cho tôi nghe, Uyển Nhi vẫn còn rùng mình khi nhớ lại những cái cười mỉa mai và vui thích của mấy cô bạn "đồng nghiệp" ném về phía mấy anh lao động ngoại tỉnh đang hả hê vì vừa đáp xong chuyến "tàu nhanh": "Cứ hùng hục hùng hục! Ngu thì chết! Rồi mang bệnh về mà đổ cho vợ con nhé!". "Tội nghiệp lắm, nhưng họ chẳng biết gì, cũng chẳng nghe lời đâu. Nhiều người như thế lắm, không biết có ai việc gì không?".

"Buồn cười nhất là khi em có thai. Bụng bầu, nhưng người em khá thon thả nên vẫn đắt khách. Hóa ra là dân làm ăn buôn bán thường muốn... xả xui bằng cách qua đêm với bà bầu! Nhưng tới khi cái bụng to quá, vào phòng, nhiều người phát hiện ra, họ chửi bới, có khi cho em cả mấy cái bạt tai vì tội có bầu mà không khai trước, làm họ mất cả hứng".
Vào Trung tâm Giáo dục lao động số 2 Hà Nội lần thứ nhất, Lâm Uyển Nhi biết mình bị nhiễm HIV/AIDS khi được phân vào "tổ hoa hậu". "Người đẹp thành phố biển" suy sụp hoàn toàn. Nhưng rồi cô cũng đã ngộ ra: "Phải tiếp tục sống và hy vọng". Biết đâu, một ngày nào đó khoa học sẽ chữa khỏi căn bệnh khủng khiếp này".




Bởi ý nghĩ ấy, cùng những nỗ lực trong học tập, Nhi được ra trường đầu năm 2003. Cô về nhà một người bạn cũng là học viên ở thị trấn Hương Canh (Vĩnh Phúc) và ngày ngày đi chăn trâu, cắt cỏ, làm đồng. Tối đến, Nhi theo bạn đi bốc đất trộm cho các các chủ lò gạch với giá 5 ngàn đồng một xe công nông để sống qua ngày.



Song bất ngờ thay, tại đây, Nhi quen một người bạn trai tên V. và hai người đã đi quá tình bạn thông thường. Sau một bữa rượu của V., họ "gặp nhau tay không" và Nhi có thai. Sợ hãi vì nghĩ rằng có thể mình đã đổ HIV cho bạn, Nhi rời Hương Canh khi cái bụng đã lùm lùm. Không người thân, không nghề nghiệp, và Nhi lại trở về con đường cũ...



Và ngày đứa trẻ chào đời đã đến. 4 giờ sáng 28.9.2003. Trời mưa như trút nước, Lâm Uyển Nhi đau bụng đẻ khi đang bắt khách bên vườn hoa Pasteur. Một người đàn ông đi trên chiếc xe Avenis dừng lại buông lời chọc ghẹo. Nhi gắng đứng dậy, xin thuốc hút. Người đàn ông thốt lên: "Em có bầu à?". Hóa ra đó là một người tốt. Đưa cho Nhi 600 nghìn đồng xong, anh ta chở luôn cô vào bệnh viện. Trớ trêu thay, trước khi lên bàn đẻ, cô gái chân dài ấy không quên lẻn đi mua thuốc cho những ngày nằm chỗ! "Em nói với các bác sĩ là em mắc bệnh rồi, nhờ bệnh viện đỡ cho em, em không có tiền đâu. Không có thuốc tê, bác sĩ rạch đến đâu em biết đến đấy. Rồi họ reo lên: Con trai, ba cân ba, xinh lắm! Em nghe mà lòng dạ ngổn ngang, không biết nên vui hay buồn".



Ba ngày nằm viện không một người thân thích, Nhi ôm con về nhà trọ ở đường Trần Khát Chân. Ông chủ nhà không cho vào. Nhi bế con ra rìa đê, căng miếng ni-lon lên cây ổi ở tạm. Gió lạnh, kiến đốt, đói sữa nên đứa trẻ khóc suốt đêm. Hàng phố xua đuổi, Nhi ôm con ra công viên Pasteur. Người qua đường thương tình, khi cho hộp sữa, lúc thì ít tiền lẻ. Mẹ đói thuốc, con đói sữa. Đến ngày thứ 8, biết mình không thể cầm cự được nữa, cô xin mảnh giấy, mượn chiếc bút viết lại một lá thư... rồi thuê xe ôm chở lên cầu Chương Dương. Người lái xe từ chối và khuyên cô đem con đi cho để đứa trẻ được sống... Nhi vâng lời, chiếc Honda cũ đưa Nhi tới Viện C. Uyển Nhi đặt con ở một góc cầu thang... Chiếc xe Honda nổ máy, đưa Nhi trở lại vườn hoa Pasteur. Người đàn bà khốn khổ ngoái lại, lòng đau đớn như bị chặt đứt từng khúc ruột. Mặc cảm tội lỗi khiến cô quay lại tìm con một tiếng đồng hồ sau đó nhưng bé đã được ai đó bế đi...





Lâm Uyển Nhi nói chuyện với gia đình. Ảnh: L.Q.P

Cuộc đời lại tiếp tục xô đẩy tới khi Nhi được đưa trở lại Trung tâm 2. May mắn thay, Nhi gặp lại con, cậu bé đang được nuôi dưỡng ở Khu chăm sóc trẻ em nhiễm HIV/AIDS và có tên là Nam. Kỳ diệu thay, cậu bé không bị lây căn bệnh thế kỷ từ mẹ.

Sau bao nhiêu sóng gió của một đời tủi nhục, bây giờ mặc cảm tội lỗi đã vơi đi, cũng không còn oán trách số phận, gia đình nữa, Lâm Uyển Nhi đang có những ngày sống vui, sống có ích bên những đứa trẻ tội nghiệp. "Em coi các cháu như con. Nghe tiếng khóc cười của trẻ nhỏ, lòng em thấy nhẹ nhõm vô cùng. Em chẳng còn ao ước điều gì, chỉ mong được ba má, được người thân thông cảm, tha thứ cho những lỗi lầm, cho em được trở về". Từ năm 1998 đến nay, Lâm Uyển Nhi chưa một lần được về nhà. Nhi cũng đã nhiều lần gửi thư cho mẹ nhưng không nhận được hồi âm. Cô ao ước được về nhà, sống lại những ngày tháng êm đềm, hạnh phúc, ngày ngày đi bán bánh mì, chăn trâu, cắt cỏ... Nhưng Nhi bảo bây giờ cô chỉ có thể trở về khi được gia đình mở rộng vòng tay. "Em khao khát được nghe một lời đồng ý của gia đình cho em được trở về. Em tin rằng khi đó gia đình sẽ không thất vọng vì em".



Giấu lãnh đạo Trung tâm, chúng tôi bấm máy để Nhi nói chuyện với gia đình. Nước mắt lăn dài trên khuôn mặt tàn phai, giọng Nhi lạc đi: "Dì ơi! Con vẫn đang ở Trung tâm. Con viết thư về nhưng sao chẳng nhận được tin... Con yếu lắm rồi. Con vừa phải điều trị xong... Tháng 9 sang năm con mới hết hạn...". Rồi nước mắt thôi rơi, Uyển Nhi vui vẻ thông báo: "Con ở với con trai con. Nó không bị bệnh giống con đâu nhưng nay mai sẽ phải chuyển đi nơi khác... Con mới đi giao lưu đấy, vài hôm nữa họ sẽ phát hình trên VTV. Dì nói má, các anh chị cùng xem nha ! Con xin lỗi tất cả mọi người. Dì ơi, con muốn được về nhà"...



"Em muốn về Nha Trang còn là để bé Nam nhận bà ngoại, các cậu, các bác... và có được một chỗ dựa. Nếu gia đình không chấp nhận, em chỉ còn biết trông vào V. Hy vọng cậu ấy không bị HIV và nhất là có thể nghĩ đến Nam và lo cho Nam vì Nam là con của cậu ấy". "Em sẽ chết trong nay mai. Em chỉ mong V. nhận con, quan tâm đến cuộc sống của đứa bé để đến lúc nhắm mắt xuôi tay, em yên lòng vì Nam đã có bố".
Câu đầu tiên mà bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 2 Hà Nội phát biểu khi chúng tôi trở lại nơi này là: "Có hai ông khách rất đặc biệt, một già, một trẻ, mỗi người cầm một tờ báo Thanh Niên, nằng nặc đòi vào thăm Lâm Uyển Nhi. Không thể từ chối, tôi phải cho vào vì họ từ tận TP.HCM ra và đập cửa trung tâm lúc gần nửa đêm!".




Người đó là một chủ thầu xây dựng tên B., năm nay ngoài 40 tuổi. Câu chuyện mà Lâm Uyển Nhi kể về con người nhân hậu và sâu sắc này nghe giống như một chương tiểu thuyết...



Năm 1990, khi còn ở TP Nha Trang, Nhi đau ruột thừa, phải vô bệnh viện mổ. Giường kế bên có một thanh niên trẻ, anh ta làm nghề xây dựng và đang tham gia thi công một khách sạn lớn có tên là Anamara ở Nha Trang. Một tai nạn đã khiến anh này bị chấn thương phải vào viện điều trị. Một tuần nằm viện trôi qua không để lại ấn tượng gì, Nhi về nhà phụ mẹ bán phở và quên chàng trai tên B. mà cô gọi bằng chú, anh cũng trở lại với công trường.



Không ai ngờ rằng mười lăm năm sau, Nhi lại có thể tái ngộ con người ấy với một hoàn cảnh thật éo le. "Hôm ấy đã hơn 9 giờ tối", Nhi nói. "Khi bảo vệ gọi em ra ngoài cổng có người nhà đến, em mừng quá, không kịp xỏ dép, cứ chân đất chạy ra. Nghĩ là mẹ ra thăm, nhưng không, có một người đàn ông đứng ngay cổng. Em nhận ra ngay. Ngày xưa anh ấy đẹp trai, hay cười và có một cái răng dài, bây giờ anh ấy đã già đi, tóc bạc hết, mập ra, hiện vẫn chưa lập gia đình. Anh ấy nói rằng ảnh yêu em từ ngày ấy mà không dám nói, hôm rồi đọc báo, đang làm công trình ở Vũng Tàu, liền đặt vé máy bay ra ngay Hà Nội rồi mướn taxi lên thăm em ngay trong đêm. Anh ấy ngẩn ra nhìn em, rồi hỏi: "Em nghiện thật à, em làm nghề như thế sao?". Rồi anh ấy nói không sao hết, gặp được em là mừng rồi".



Nhi cười, một nụ cười hạnh phúc nở trên khuôn mặt đã có những dấu hiệu của bệnh tật, cô nói tiếp thật hào hứng: "Ảnh nói rằng nếu ra Hà Nội lần nào, sẽ đến thăm em lần ấy. Ảnh mang theo một chiếc áo khoác tặng em, lại ngỏ ý muốn cho em mấy trăm ngàn để tiêu vặt nhưng lúc đó căng-tin đóng cửa, mà theo quy định học viên không được cầm tiền mặt của người nhà cho".



"Báo Thanh Niên đăng rõ ràng em bị bệnh (AIDS - TN), nhưng ảnh chẳng sợ hãi gì cả, cứ nắm tay nắm chân em và khóc. Ảnh nói đi nói lại rằng ảnh yêu em, ảnh thương em lắm. Rồi khi vui trở lại, ảnh lại chê em mập ra và xấu hơn trước. Em không tưởng tượng ra được trên đời này còn có những người tốt và sống nội tâm, sâu sắc đến thế, ảnh nói rằng khi nào có dịp đi Nha Trang, ảnh sẽ ghé nhà em và xin giấy ủy quyền của mẹ để được thăm nom em thường xuyên hơn. B. nói em cứ cố gắng học tập, trị bệnh, khi nào được ra mà lại muốn về Nha Trang thì ảnh sẽ đón mẹ con em. Em xúc động quá, nhưng tiếc là lúc ấy khuya lắm rồi, không thể nói được nhiều chuyện. Em trở vào, còn anh ấy ra cổng cứ đứng nhìn theo em mãi. Em về phòng, kể với mọi người, các chị lúc đầu không tin, sau đã tin rồi thì chọc em, thế là mày không sợ phải chết một mình nữa, có người đưa ma rồi. Anh ấy còn ghẹo em, thế cái thằng nhỏ ba tuổi báo đăng, nó ở đâu ra vậy. Em xấu hổ quá, ảnh nhớ em suốt mười lăm năm, còn em thì đã trở thành hư hỏng, xấu xa như thế này".



"Em cứ đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ kia", Nhi tiếp, "Anh B. về được mấy hôm, thì một buổi trưa, có một ông lão từ Hà Đông đạp xe tới. Bác ấy có lẽ phải 60 tuổi hoặc hơn, cầm tờ báo trên tay hỏi đường tới trung tâm hai lần mới thấy. Bác này cũng họ Lâm như em, cứ hỏi đi hỏi lại gốc gác ở đâu, ba má có phải người Bắc không, biết đâu xa xưa lại là họ hàng. Bác ấy cứ nói đi nói lại là trông em khỏe mạnh thế này, sao không xét nghiệm lại, biết đâu không việc gì. Em nói em chắc chắn dính bệnh rồi, thì bác ấy lại mời em về ở nhà bác ấy, nhà cửa đất đai rộng, mọi người trong gia đình cũng đọc báo và đồng ý. Em chẳng biết nói làm sao cho phải, cứ ngớ người ra trước lòng tốt của mọi người. Thế mà trước đó, em từng nghĩ cuộc đời mình thế là hết... Nói chuyện với em đến trưa, bác ấy lại lên xe đạp về. Em hạnh phúc quá, em không nghĩ một người bỏ đi như mình, lại vẫn được nhiều người nhớ đến và thông cảm, chia sẻ đến thế. Tuy nhiên, em vẫn khát khao một điều mà chưa đạt được, đó là sự tha thứ của gia đình, em chỉ muốn, trước khi chết, được về lại nơi mình đã sinh ra, để được gục đầu vào lòng mẹ, và nói với mẹ những lời ăn năn, để được mẹ bỏ qua cho những lỗi lầm của mình. Nhưng em không hiểu vì sao, đến bây giờ em vẫn chưa nhận được hồi âm của nhà". Nhi trầm ngâm, hai dòng nước mắt từ từ ứa ra và lăn trên khuôn mặt dù đã tàn phai nhưng vẫn phảng phất nét kiêu sa, xinh đẹp...

...

Câu chuyện buồn về cuộc đời Hoa hậu mắc AIDS Lâm Uyển Nhi




Những ngày đầu năm này, tại một góc nhỏ dành cho những người bị bệnh AIDS của khu Nghĩa trang Văn Điển (Hà Nội), người ta thấy lọ tro của Lâm Uyển Nhi.



Mộ người đẹp một thời - hoa khôi các thành phố biển, nằm trơ trọi, không người thân thăm viếng. Trước đó, ngày đưa Lâm Uyển Nhi đi hỏa táng, cũng không có người thân nào bên cạnh. Các bác sĩ phải nhờ hai người bệnh theo xe chở xác cô xuống nghĩa trang. Họ được “mượn” để đi cùng Nhi.



Sinh ra trên đời với một nhan sắc chim sa cá lặn, cuộc đời của cựu hoa hậu các thành phố biển Lâm Uyển Nhi có nhiều lúc lên hương, tưởng như tất cả những gì tốt đẹp nhất đều phủ lên người đẹp, nhưng nhiều hơn là những năm tháng mà sống trên đời là một sự đọa đày.



Cũng có những lúc, khi đã bị dìm xuống đáy cuộc đời, hạnh phúc lại bất ngờ đến với Lâm Uyển Nhi, khơi dậy trong cô khát vọng hoàn lương nhưng kết cục cuối cùng, cựu hoa hậu các thành phố biển đã chết cô độc trong cùng cực, khốn quẫn.



Đã có nhiều bài báo viết về cuộc đời của Lâm Uyển Nhi, mà chủ yếu là khi người đẹp đã mang trong mình căn bệnh AIDS. Cô từng trở thành nhân vật trong chương trình “Người đương thời” của Đài Truyền hình Việt Nam, của những loạt bài phóng sự dài kỳ trên các tờ báo lớn.



Lâm Uyển Nhi - theo như lời kể của chính cô - gần hai mươi năm về trước đã khai tăng tuổi để đi thi hoa hậu và đăng quang trong cuộc thi sắc đẹp của các thành phố biển. Khi ấy, người đẹp dù chưa đến tuổi trưởng thành nhưng đã sớm có quan hệ đặc biệt với trùm xã hội đen Phạm Chí Tin, tức Tin Palet, nổi danh trong giới giang hồ thành phố biển Nha Trang.



Khi Tin Palet bị bắt sau vụ bắt cóc, tống tiền nổi đình nổi đám thời đó, Lâm Uyển Nhi trở thành người tình của một thương gia Pháp chuyên buôn đồ cổ. Cuộc sống xa hoa của cô là niềm mơ ước của nhiều cô gái trẻ.



Cuộc đời xô đẩy, người tình Pháp phải về nước bỏ cựu hoa hậu bơ vơ. Thói quen sống trên tiền đẩy cô đến các vũ trường, CLB VIP, trở thành gái bao cao cấp để kiếm tiền trang trải cuộc sống.



Rồi thời gian bào mòn nhan sắc, những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng hủy hoại dung nhan, cựu hoa hậu ngày nào không còn là giai nhân có thể lọt vào mắt các đại gia, công tử mà phải ra đứng đường bán thân cho khách làng chơi.



Trong những năm tháng buôn phấn bán hương, Lâm Uyển Nhi nghiện ma túy, mang bệnh HIV. Cô trở thành người quen của Trung tâm phục hồi nhân phẩm tại Hà Tây.



Lâm Uyển Nhi có một đứa con trai, mang bệnh HIV từ trong bụng mẹ. Khi nó mới sinh, cô đã mang con đến bỏ trước cổng Trung tâm bảo trợ xã hội ở vùng cao Yên Bài, Hà Tây để tiếp tục xuống hồ Thiền Quang đứng đường bắt khách.



Rồi một lần bị bắt vào Trung tâm phục hồi nhân phẩm, hai mẹ con tình cờ nhận ra nhau. Sau khi hết thời hạn chữa bệnh tại Trung tâm, tình mẫu tử đã khiến Lâm Uyển Nhi xin ở lại để chăm sóc đứa trẻ.



Sống những chuỗi ngày ở Trung tâm bảo trợ xã hội với bản án tử hình tuyên trước, Lâm Uyển Nhi tha thiết muốn được cha đứa trẻ thừa nhận con.



Khi ông bố trẻ không tin đó là con mình, Trung tâm bảo trợ xã hội đã chi tiền đi xét nghiệm gen. Kết quả khẳng định họ đúng là cha con. Nhưng cuộc đoàn tụ gượng ép sau đó cũng chỉ kéo dài vài tháng rồi Lâm Uyển Nhi và đứa trẻ lại phải dắt nhau lên Trung tâm bảo trợ xã hội nương náu.



Hai năm về trước, khi đã bị đày đọa đến tận cùng bất hạnh, bất ngờ Lâm Uyển Nhi như được sống lại khi con trai cô thoát khỏi căn bệnh HIV một cách thần kỳ. Đó là một trong những trường hợp rất hiếm có - đứa trẻ mặc dù mang virut HIV từ trong bụng mẹ nhưng sau 18 tháng, khi hết nhiễm thể truyền từ mẹ sang con đã thoát khỏi căn bệnh HIV.



Đêm giao thừa năm trước, khi tôi có mặt tại Trung tâm bảo trợ xã hội II ở Yên Bài, Hà Tây, Lâm Uyển Nhi đã quyết định gửi con về quê ngoại nhờ mẹ nuôi dưỡng để lên Trung tâm bảo trợ xã hội, làm mẹ của 29 đứa trẻ bất hạnh mang trong mình căn bệnh HIV bị cha mẹ bỏ rơi tại Trung tâm, như chính con trai cô ba năm trước đó.



Khi ấy, Lâm Uyển Nhi nói rằng sẽ quyết tâm từ bỏ việc buôn phấn bán hương, nguyện ở lại Trung tâm bảo trợ xã hội để chăm sóc cho những đứa trẻ bất hạnh.



Quyết tâm hoàn lương không thành. Những cơn vật ma túy khiến Lâm Uyển Nhi lại trốn khỏi Trung tâm bảo trợ xã hội để đi bắt khách kiếm tiền thỏa mãn cơn nghiện. Cô trải qua những ngày tháng cuối đời tại Trung tâm dành cho những người mắc bệnh HIV giai đoạn cuối ở một huyện ngoại thành Hà Nội.



Hoa hậu các thành phố biển một thời khi chết không có ai đến nhận xác nên đã được đưa đi hỏa thiêu, chấm dứt một cuộc đời chìm nổi trong khốn cùng và cô độc.

(Theo TTVH)

5 comments:

  1. Lâm Uyển Nhi (ngày 5 tháng ? năm 1975 tại Nha Trang – 2008 tại Hà Nội) đoạt giải nhất cuộc thi Người đẹp các thành phố biển năm 1989, Lâm Uyển Nhi đã bỏ học để vào lập nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh. Lâm Uyển Nhi sinh năm 1975 trong một gia đình có tám chị em tại thành phố biển Nha Trang. Cha bỏ đi khi Nhi còn thơ dại, cô lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ. Đời sống gia đình cô vô cùng khó khăn. Về sau cô nghiện ma túy rồi nhiễm HIV. Cô sống những ngày cuối đời tại Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội và qua đời năm 2008. [1]

    ReplyDelete
  2. Bà Nguyễn Thị Phương – Giám đốc TTGDLĐXH số II ( nhân vật giám đốc trong vở kịch của Nhi ), tâm sự: “Đời Nhi khổ nhiều, nhưng kể từ khi vào đây cô ấy vui lắm, làm việc rất tốt, thương yêu các cháu như con mình”.

    Những đứa trẻ có HIV ở đây mang gương mặt của những thiên thần. Vẻ đẹp đó dường như để bù lại nỗi bất hạnh quá lớn mà các em bé vô tội phải gánh chịu.

    Nhi và các mẹ dồn hết tình thương cho các cháu những mong điều đó sẽ làm HIV biến mất khỏi những cơ thể non nớt kia. Có nhiều em đã chuyển từ dương tính sang âm tính, như Nam con của Nhi, nhưng cũng không ít em đã chết.

    Nhi ôm một bé gái vào lòng, nói: “Giờ đây em sẵn sàng đổi cả mạng sống của mình để lấy một kết quả âm tính cho cháu bé ở đây. Đời em cuối cùng đã neo đậu ở chốn này. Cháu Nam không còn có HIV nữa, đó là câu chuyện cổ tích mà cuộc đời đã dành cho em. Sắp tới cháu sẽ chuyển khỏi nhà trẻ. Em mong bố cháu biết được, đón cháu về nuôi. Mong một lần em được về thăm Nha Trang để tạ lỗi với gia đình”.

    Từ ngày vào đây, sức khỏe Nhi dần hồi phục, người đẹp Nha Trang ngày nào giờ trở thành hoa khôi “ết” của nhà trẻnày, cô sống như thể phía trước là bầu trời. Có phải thế chăng mà vở kịch lại mang tên Cánh buồm Hy vọng ?



    Tôi gai người khi nghe Nhi cất lời ru mấy em bé ngủ: “À ơi, ví dầu cầu ván đóng đinh; Cầu tre vắt vẻo gập ghềnh khó đi; Khó đi mẹ dắt con đi; Con đi trường học, mẹ đi trường đời”.

    ReplyDelete
  3. It's a sad story. That's why I take each day as a present!!!

    ReplyDelete
  4. chung qui chỉ tại bọn buôn bán ma túy , thử hỏi không có chúng thì làm sao cô đến nông nỗi này , tiếc , thương và đáng trách.giá như , giá như ...

    ReplyDelete
  5. thật tiếc cho một nhan sắc, đọc xong thấy cảm động vô cùng!

    ReplyDelete